top of page
Ảnh của tác giảDuli Ng

4 Phong Cách Nuôi Dạy Con: Bạn Đang Sử Dụng Phong Cách Nào?

Trong trị liệu, có một kiểu định kiến cho rằng, tất cả các vấn đề của một người là do lỗi của cha mẹ họ. Nhưng không hẳn vậy! Nhiều thập kỷ nghiên cứu tâm lý đã gợi ý rằng, phong cách nuôi dạy con thường được cha mẹ (hoặc một trong hai người) tuân theo có thể ảnh hưởng đến việc con cái tiếp cận các mối quan hệ, thách thức và cơ hội của chúng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một người trưởng thành không thể thay đổi điều này, đặc biệt là khi họ hiểu điều gì có thể ảnh hưởng đến hành vi của mình. Các bậc cha mẹ nhận thức được những cạm bẫy trong phương pháp nuôi dạy con của họ, và cách nó có thể ảnh hưởng đến con cái cũng có thể thay đổi được những hệ lụy trong sự phát triển của con. Vì vậy, việc hiểu được chúng ta có phong cách nuôi dạy con như thế nào, hoặc hiểu được chúng ta đã được nuôi dạy theo phong cách nào. Là bước đầu để đi đến những hình thức lành mạnh hơn.


Ở đây chúng ta cùng tìm hiểu:

  • Bốn "kiểu phụ huynh" phổ biến.

  • Phong cách nuôi dạy con có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ tương lai của chúng như thế nào?

  • Làm thế nào để các ông bố bà mẹ có thể biết họ thuộc "kiểu phụ huynh" nào?

  • Cha mẹ có thể được tôn trọng và tin tưởng hơn trong mắt con cái bằng cách nào?

  • Phong cách nuôi dạy con theo kiểu "bố mẹ ủng hộ" là gì?

  • Phong cách nuôi dạy con theo kiểu "bố mẹ dính liền" là gì?

  • Làm thế nào để các ông bố bà mẹ có thể chuyển đổi khỏi cách nuôi dạy theo kiểu "bố mẹ dính liền"?



Bốn "kiểu phụ huynh" phổ biến là gì?

Nghiên cứu được bắt đầu bởi nhà tâm lý học phát triển Diana Baumrind vào những năm 1960 đã xác định ba phong cách nuôi dạy con cái chính: độc đoán, nuông chiều và tôn trọng (hoặc trao quyền). Các nghiên cứu sau đó bổ sung thêm phương pháp thứ tư - thờ ơ. Mỗi bậc cha mẹ không hoàn toàn tương thích với một trong bốn loại này nhưng chúng mô tả cách tiếp cận chung của nhiều người.


  • "Cha mẹ độc đoán" tìm cách duy trì mức độ kiểm soát cao đối với con cái của họ. Họ có thể đặt ra và yêu cầu con tuân thủ một bộ quy tắc nghiêm ngặt. Họ ủng hộ và có thể áp dụng các hình phạt thể xác như đánh đòn. Con cái của những bậc cha mẹ độc đoán cao có xu hướng "bạo lực chống đối" để thoát khỏi sự kìm kẹp bó buộc trong các mối quan hệ xã hội, và có thể trở thành những bậc cha mẹ độc đoán (giống cách mà cha mẹ họ đã nuôi dưỡng họ.)

  • "Cha mẹ thờ ơ" (còn được gọi là không quan tâm hoặc bỏ bê) đảm nhận vai trò nuôi dạy con cái khá hạn chế. Họ có thể không dành nhiều thời gian như các bậc cha mẹ khác để trò chuyện, vui chơi hoặc tham gia các hoạt động khác cùng con, và có thể họ cũng không bận tâm đến việc đặt ra những quy tắc trong gia đình. Một số trẻ em của những bậc cha mẹ thờ ơ có thể chống lại các quy tắc bên ngoài gia đìnhgặp khó khăn trong việc "tự điều chỉnh" cảm xúc, suy nghĩ, hành vi...

  • "Cha mẹ nuông chiều" (hoặc dễ dãi) có thể chu đáo và ấm áp, nhưng họ thường không đặt ra nhiều quy tắc cho con cái. Họ có thể ưu tiên trở thành bạn của con hơn là cha mẹ của chúng. Nghiên cứu cho thấy rằng con cái của những bậc cha mẹ nuông chiều thể hiện mức độ sáng tạo cao hơn nhưng cũng có thể trở nên ích kỷ và không biết quý tọng những điều mà mình nhận được. Chúng cũng có xu hướng thích "nhận về" hơn là "cho đi" trong các mối quan hệ.

  • "Cha mẹ tôn trọng" (hoặc trao quyền) tiếp cận phương pháp nuôi dạy con dựa trên "khoảng rộng hiểu biết". Những bậc cha mẹ như vậy thường có cách nuôi dạy con phù hợp thực tế và linh hoạt hơn (mà không bị gò bó vào lý thuyết dạy con nào). Họ đặt ra những ranh giới rõ ràng nhưng cũng khuyến khích sự độc lập của trẻ trong những giới hạn đó. Kỷ luật trong những gia đình như vậy có tính hỗ trợ nhiều hơn là trừng phạt, và khi trẻ lớn hơn, tính độc lập của chúng tăng lên. Con cái của những bậc "cha mẹ tôn trọng" phát triển khả năng "tự điều chỉnh" và tính tự lực cao hơn.


Phong cách nuôi dạy con của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ tương lai của chúng như thế nào?

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, trong một số gia đình, cách nuôi dạy con cái của cha mẹ, đặc biệt vì nó liên quan đến việc duy trì sự kiểm soát của họ đối với con cái, có thể khiến con cái dễ bị tổn thương bởi sự lạm dụng tình cảm từ người bạn đời tương lai, "cấp trên" và những người khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, những người được nuôi dưỡng với cha mẹ luôn kiểm soát tâm lý nghiêm ngặt đối với họ sẽ trở nên đặc biệt dễ bị đối tác lạm dụng tình cảm. Tuy nhiên, hiệu quả dường như được bù đắp bằng cách trải nghiệm cảm xúc ấm áp từ người cha / mẹ khác. Nghiên cứu tiếp tục khám phá ảnh hưởng của các phong cách nuôi dạy con khác nhau trong cùng một gia đình và có những hậu quả gì nếu một người mẹ hay người cha là người độc đoán.


Làm sao để các bậc phụ huynh có thể biết họ thuộc "kiểu cha mẹ" nào?

Nhiều nghiên cứu về phong cách nuôi dạy con cái đã xem xét cách thức mà mỗi phương pháp ảnh hưởng đến trẻ khi chúng lớn lên, và các tác động tiêu cực có thể được khắc phục như thế nào. Nhưng một số nghiên cứu khác lại tập trung vào việc giúp các bậc cha mẹ tự ý thức hơn và thay đổi phương pháp của họ để phát triển mối quan hệ lành mạnh hơn với con cái. Những nhà nghiên cứu đã phát triển các thang đo phân tích, trong đó chỉ ra rằng, thông qua trị liệu, cách mà cha mẹ phản ứng trước một số tình huống nhất định đối với con cái có thể chuyển sang một cách tiếp cận ôn hòa hơn.


Làm thế nào để cha mẹ trở nên được tôn trọng và tin tưởng hơn?

Trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ không nghĩ mình thuộc kiểu độc đoán, tôn trọng hay gì khác, và nhiều ông bố bà mẹ đủ tự nhận thức để biết rằng họ có thể không phù hợp với con trong mọi lúc. Các chuyên gia cho rằng việc chú ý đến một số hướng dẫn chung có thể giúp cha mẹ phát triển phương pháp nuôi dạy con lành mạnh hơn, chẳng hạn như thật sự có ý thức về những điều ấm áp và tình yêu thương dành cho con, đặt ra giới hạn phù hợp với lứa tuổi, tích cực lắng nghe những mối quan tâm của con, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết yêu cầu con cần có cách xử sự và thái độ tôn trọng với cha mẹ. Mỗi khi con có hành vi tốt, hãy cho con biết là chúng được ghi nhận và khuyến khích.


Nuôi dạy con theo phong cách "cha mẹ ủng hộ" là gì?

Nuôi dạy con theo phong cách "cha mẹ ủng hộ" mô tả một cách tiếp cận để nuôi dạy con, trong đó các bậc phụ huynh nắm "quyền lực bố mẹ" trong tay nhưng họ ý thức được mức độ thường xuyên "nói không" với con (như họ thường phải làm, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ) để tìm kiếm nhiều cơ hội "nói có" với chúng hơn, theo những cách mang tính động viên, khuyến khích. Điều đó giúp trẻ phát triển sự tự tin và lòng tự tôn. Khi trẻ hầu như chỉ được nghe rằng chúng không nên làm cái này, không được làm điều kia, chúng có thể cảm thấy bị từ chối bởi cha mẹ, thậm chí là một người có ý tốt, với những cảm xúc tiêu cực. Có ý thức hỗ trợ và vị tha với con trẻ có thể giúp trẻ hình thành niềm tin vào bản thân.


Phong cách nuôi dạy con cái theo kiểu "cha mẹ dính liền" là gì?

Nuôi dạy con theo kiểu "cha mẹ dính liền" - một thuật ngữ do bác sĩ nhi khoa William Sears đặt ra, mô tả một cách tiếp cận để nuôi dạy con cái, trong đó các ông bố bà mẹ gần gũi về thể chất và tình cảm với con cái của họ, đặc biệt là khi còn nhỏ, được đặc trưng bởi thời gian cho con bú và ngủ chung kéo dài. Sears gọi nó là "những gì các ông bố và bà mẹ sẽ làm theo cách bản năng để nuôi con trên đảo hoang." Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này dẫn đến kết quả tâm lý tích cực hơn cho trẻ và nhiều chuyên gia bác bỏ việc nuôi dạy con theo kiểu "cha mẹ dính liền", bởi nó xuất phát từ những nhu cầu và đòi hỏi không cần thiết của cha mẹ và có khả năng tạo ra xung đột và chia rẽ giữa những người mới làm cha mẹ.


Làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể chuyển đổi khỏi phong cách "bố mẹ dính liền"?

Những bậc cha mẹ cam kết tuân thủ phong cách "bố mẹ dính liền" trong suốt thời thơ ấu của trẻ có thể phải đối mặt với thách thức khi cai sữa cho con. Những bậc cha mẹ này cần thực hành một cách có ý thức việc "nuôi con giãn cách" để những đứa trẻ bước vào tuổi vị thành niên có thể phát triển tính độc lập và những mối quan hệ bạn bè lành mạnh, đồng thời không để trẻ có cảm giác bị từ chối khi trẻ bắt đầu chống lại những nỗ lực thay đổi từ phía cha mẹ để duy trì mức độ kết nối trước đây của chúng.



ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỚI BẠN ĐỌC

Trở thành cha mẹ, bạn - theo một cách "đương nhiên" - trở thành người nắm giữ quyền lực vô biên trong mắt con cái. Tất nhiên, điều đó không phủ nhận những áp lực của việc làm cha mẹ mà bạn phải đối diện mỗi ngày, hay những nỗ lực để bạn có thể thấu hiểu và phát triển mối quan hệ lành mạnh cùng con.


Quyền lực đích thực chưa bao giờ là cái trừng mắt đáng sợ và giọng hét đanh thép dội vào trái tim bé nhỏ của một đứa trẻ. Quyền lực đích thực chưa bao giờ là "câu hù" - kệ con muốn làm gì thì làm, ba mẹ sẽ không quan tâm nữa! Quyền lực đích thực chưa bao giờ là "lời kết tội" - Con làm vậy sai rồi! Sẽ không thành công đâu!. Quyền lực đích thực cũng không đến từ việc bạn chấp thuận mọi đòi hỏi của con và nghĩ rằng làm vậy thì con sẽ nghe lời mình!


Quyền lực đích thực là khi những nguyên tắc mà bạn đặt ra để "bảo vệ" con mang tính hỗ trợ, chứ không áp đặt, và được hướng dẫn một cách cụ thể, dựa trên sự lắng nghe, tôn trọng. Quyền lực đích thực là khi bạn "nói không" với con thì chúng cũng có thể "nói không" với bạn. Và "mâu thuẫn" được giải quyết bằng việc trò chuyện - thấu hiểu - chấp nhận - điều chỉnh. Quyền lực đích thực là khi bạn tin tưởng, ủng hộ con, dũng cảm để con "được phép sai" với sự đồng hành và có mặt kịp thời, nhưng bạn hiểu - bạn cần để con tự đi trên hành trình của mình. Và rồi những đứa trẻ lớn lên với niềm tin vào chính mình. Tin rằng dù chúng thất bại, chúng vẫn có một nơi thật vững chắc để quay về - đó là gia đình...


Bài viết sau là một gợi mở cho bạn, để có cái nhìn sâu sắc hơn, về phong cách nuôi dạy con mà bạn đang "theo đuổi". Hy vọng có thể gỡ được nút thắt nào đó trong mối quan hệ của bạn với con, cũng như tìm ra sự điều chỉnh phù hợp. Sau tất cả, chúng tôi tin rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc, không phụ thuộc hoàn toàn vào phương pháp nào. Mà nó bắt nguồn từ tình yêu thương thuần khiết.

 

Người dịch: Duli Ng ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Một số bài viết liên quan ở các trang khác:

29 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page