Dưới đây là cách giải quyết sự căng thẳng và mất kết nối không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ gia đình.
Viết bởi tiến sĩ Diana Divecha một nhà tâm lý học phát triển, Blog của bà tại developmentalscience.com.
Ba tháng trong mùa dịch, tôi nóng lòng được gặp lại đứa con gái 28 tuổi của mình và chồng nó ở cách xa 2000 dặm. Con bé đã bị bào mòn thể trạng bởi một cuộc khủng hoảng sức khỏe nguy cấp, sau đó là các cuộc biểu tình cộng đồng đẩy cả hai phải xuống đường để phục vụ thức ăn và dọn dẹp các khu dân cư. Chúng vẫn đang xoay xở được. Nhưng những khó khăn dồn dập khiến người mẹ trong tôi muốn kết nối và hỗ trợ. Vì vậy, tôi cùng chồng, cả đứa con gái khác của tôi và chồng nó nữa, đã thành lập một "tổ ấm mới" gồm sáu người lớn và hai con chó, trong mùa hè nóng ẩm của Minneapolis. Để đồng hành cùng nhau đi qua giai đoạn này.
Khi thu dọn đồ đạc, một chút nghi ngờ len lỏi vào suy nghĩ của tôi. Sáu người chúng tôi chưa bao giờ chung sống dưới một mái nhà. Liệu tôi có phá hỏng nó? Liệu tôi có 'lải nhải' suốt, như cách mà bạn tôi gọi, và vô tình nói những điều gây tổn thương cho người khác? Cách đây một thời gian, trong khoảnh khắc không kiểm soát được bản thân vì kiệt sức, tôi đã xúc phạm người con-rể-mới-coong của mình bằng một lời nhận xét thiếu suy nghĩ. Cậu ấy đã bị tổn thương thật sự. Phải cần cả bức thư dài và một cuộc điện thoại, chúng tôi mới có thể hiểu nhau hơn và đưa mối quan hệ trợ lại bình thường.
Tôi và các anh chị em của mình đã lớn lên, trong những rạn nứt khó lành - đó là cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Xung đột dai dẳng của họ đã gieo rắc mối bất hòa và chia rẽ vào mọi người xung quanh. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không đi vào vết xe đổ ấy, tạo ra một bầu không khí gia đình đầm ấm dành cho chồng và các con. Tuy nhiên, những bóng ma cũ vẫn ám ảnh tôi. Tôi không muốn phá hỏng bất kỳ điều tốt đẹp nào mà mình đang có.
Tuy vậy, nghiên cứu chỉ ra rằng, việc hy vọng các mối quan hệ của chúng ta sẽ luôn hài hòa là điều không thực tế, không thể xảy ra, hoặc thậm chí là thiếu lành mạnh. Tất cả những gì chúng ta biết từ khoa học phát triển và nghiên cứu về gia đình đều cho thấy rạn nứt ắt sẽ xảy ra và điều quan trọng hơn là cách bạn "phản hồi" chúng. Đối với những gia đình có nhiều thời gian ở cạnh nhau hơn bao giờ hết, sự căng thẳng và tổn thương cảm xúc càng xảy ra nhiều hơn. Nhưng chính những khoảnh khắc này lại mang đến nhiều lời mời kết nối và hàn gắn lại.
Mất kết nối là một thực tế của đời sống.
Nhà nghiên cứu Ed Tronick cùng với đồng nghiệp Andrew Gianino đã tính toán tần suất trẻ sơ sinh và người chăm sóc có được trạng thái Attunement - sự tương tác hòa hợp với nhau (Attunement là một nhịp điệu tương tác qua lại, chia sẻ những cảm xúc tích cực). Họ nhận thấy điều đó rất ít, một cách đáng ngạc nhiên. Ngay cả trong các mối quan hệ gắn bó an toàn, lành mạnh, người chăm sóc và trẻ sơ sinh chỉ "đồng bộ" với nhau được 30% thời gian. 70% còn lại, họ không có sự tương tác hòa hợp, hoặc đang điều chỉnh để quay lại nhịp điệu cảm xúc tích cực. Một cách đáng khích lệ, ngay cả trẻ sơ sinh cũng cố gắng tạo ra sự tương tác hài hòa trở lại, bằng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, sự phản kháng và tiếng khóc la của chúng.
Những sự không phù hợp và "sửa chữa" này là rất quan trọng, Tronick giải thích. Chúng quan trọng đối với khả năng tự điều chỉnh, ứng phó và phục hồi của trẻ đang phát triển. Chính nhờ những sự không phù hợp này - với liều lượng nhỏ và có thể kiểm soát được - mà trẻ sơ sinh, và những đứa trẻ sau này lớn lên, học được rằng thế giới là một con đường gồ ghề và đầy những điều không hoàn hảo. Chính việc tiếp xúc và cảm nhận những căng thẳng vi mô của cảm giác khó chịu, sau đó là cảm giác dễ chịu đi kèm với việc tự điều chỉnh, hoặc quay trở lại sự tương tác hòa hợp với nhau, là những gì giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ cho con thuyền cảm xúc của mình nổi, khi dòng nước bất hòa đang chảy xiết. Nói cách khác, nếu một người chăm sóc đáp ứng tất cả các nhu cầu của con họ một cách hoàn hảo, điều đó thực sự cản trở (chứ không phải ủng hộ) sự phát triển của trẻ.
"Hàn gắn những rạn nứt là điều cần thiết nhất trong việc nuôi dạy con cái", Dan Siegel - bác sĩ thần kinh học UCLA, giám đốc Viện Mindsight và là tác giả của một số cuốn sách về sinh học thần kinh liên cá nhân cho biết.
Tronick cho biết, cuộc sống là một chuỗi những sự hiểu nhầm, khó giao tiếp và sự "lệch pha" trong tương tác giữa trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc - để rồi nhanh chóng được sửa chữa, điều chỉnh. Sau đó, chúng lại trở nên "trật nhịp" và căng thẳng, và một lần nữa lại được sửa chữa. Điều này xảy ra hàng nghìn lần trong một ngày và hàng triệu lần trong một năm.
Nghiên cứu khác cho thấy rằng trẻ em có nhiều xung đột và "làm hòa" với bạn bè hơn những người không phải là bạn bè. Xung đột anh em ruột là chuyện muôn thuở; và xung đột của người lớn leo thang khi họ trở thành cha mẹ. Nếu xung đột giữa các cá nhân là không thể tránh khỏi - và thậm chí là cần thiết - thì cách duy nhất chúng ta có thể duy trì các mối quan hệ quan trọng là tiến hành "tái đồng bộ" chúng tốt hơn, và đặc biệt là nỗ lực sửa chữa, hàn gắn khi chúng bị rạn nứt.
Rick Hanson, nhà tâm lý học và là tác giả của một số cuốn sách về khoa học thần kinh trên nền tảng well-being cho biết: Các mối quan hệ sẽ khiến mâu thuẫn nảy sinh và kéo chúng ta đến gần với việc "sửa chữa" hơn. “Nhưng chấp nhận trả giá để sửa chữa, hàn gắn là một trong những cách giao tiếp ngọt ngào nhất, dễ bị tổn thương nhất và quan trọng nhất mà con người dành cho nhau,” ông nói thêm. "Điều ấy cho thấy bạn thật sự coi trọng mối quan hệ này."
Tăng cường sự gắn bó trong gia đình
Trong một nghiên cứu nhỏ ở Canada, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra cách cha mẹ có con từ bốn đến bảy tuổi củng cố, gây tổn hại hoặc sửa chữa mối quan hệ của họ với con cái như thế nào. Các bậc cha mẹ cho biết mối quan hệ của họ với con cái được củng cố bằng những trao đổi “ngang hàng” hoặc bình đẳng như chơi cùng nhau, thương lượng, thay phiên nhau, thỏa hiệp, vui vẻ hoặc chia sẻ sự thân mật về tâm lý - nói cách khác là tôn trọng và thoải mái với nhau. Các mối quan hệ của họ, trước đó, đã bị tổn hại bởi sự phụ thuộc quá mức vào quyền lực và sự áp đặt, và đặc biệt là bởi các "chiến thuật từ chối giao tiếp" (để tránh cãi nhau và gây xung đột. Hoặc sau khi xung đột xảy ra nhưng lại không xử lý) ví dụ như “giả vờ lờ đi”. Khi những sai lầm xảy ra, cha mẹ sửa chữa và khôi phục sự thân mật với con cái bằng cách bày tỏ sự ấm áp và tình cảm yêu thương, nói về những gì đã xảy ra và xin lỗi.
Mô hình về cách tăng cường và hàn gắn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái này có thể giúp bạn suy nghĩ về các tương tác của chính mình. Khi mối quan hệ gia đình đã trở nên tích cực, thì nền tảng của sự tin tưởng và niềm tin vào ý định tốt của người kia sẽ giúp mọi người khôi phục dễ dàng hơn sau những rạn nứt nhỏ. Điều này tác động đến việc chủ động giữ gìn và xây dựng các mối quan hệ trong gia đình.
Điều này có thể bắt đầu bằng việc đầu tư xây dựng những tương tác tích cực:
Dành “thời gian đặc biệt” với từng đứa trẻ để tạo thêm không gian sâu sắc hơn trong mối quan hệ 1-1 của bạn với con. Để chúng tự quản lý lịch trình và quyết định lượng thời gian dành cho nhau.
Thể hiện sự ghi nhận một cách chân thành, chia sẻ sự phản ánh với lòng biết ơn, và nhận thấy những điều tốt đẹp mà con đã nỗ lực không ngừng trong ngày hoặc trong tuần.
Bạn cũng muốn hạn chế những cách bạn có thể gây hại cho mối quan hệ. Nếu bạn không chắc chắn về động cơ của một đứa trẻ, hãy kiểm tra ý định đằng sau hành vi của chúng và đừng cho rằng chúng có ý đồ xấu. Sử dụng những câu như, “Mẹ/ba nhận thấy điều này…” hoặc “con có thể nói với mẹ/ba về điều gì đã xảy ra…” hoặc “Và sau đó có chuyện gì nữa?” có thể giúp bạn bắt đầu hiểu trải nghiệm theo quan điểm của trẻ. Thể hiện tình yêu của bạn với con mình bằng cách đồng hành cùng con trong việc đối diện và xử lý cảm xúc.
Khi nói chuyện với một đứa trẻ, hãy cân nhắc cách chúng có thể tiếp nhận những gì bạn đang nói. Hãy nhớ rằng lời nói và sự im lặng đều có sức nặng; trẻ em là "bộ đếm cảm xúc" và đọc cảm xúc của bạn nhiều hơn là xử lý những gì bạn nói. Nếu bạn đang trải qua những cảm xúc hoặc tổn thương không liên quan đến chúng, hãy thận trọng chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình và dành một chút thời gian để bình tĩnh trước khi nói.
Trong sự kết nối và hiểu biết này, bạn có thể tạo ra một văn hóa gia đình, nơi những rạn nứt được sẵn lòng đón nhận và việc sửa chữa được hoan nghênh:
Theo dõi các dấu hiệu nhỏ của việc hàn gắn. Đôi khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều đến nỗi chúng ta bỏ lỡ cái nhìn, cử chỉ hoặc biểu hiện ở một đứa trẻ cho thấy rằng những gì chúng thực sự muốn là kết nối lại.
Bình thường hóa các yêu cầu như "ba/mẹ cần một sự sửa chữa ở đây" hoặc "Chúng ta có thể làm lại không?" Chúng ta cần cho người khác biết khi nào mối quan hệ đã bị tổn hại.
Tương tự như vậy, nếu bạn cho rằng mình có thể đã làm đau ai đó, hãy quay lại kiểm tra. Nắm bắt sớm một bước sai lầm có thể hữu ích trong việc hàn gắn và xây dựng mối quan hệ.
Khi bạn khó chịu vì hành vi của một thành viên trong gia đình, hãy cố gắng thể hiện yêu cầu về một sự thay đổi bằng ngôn ngữ tích cực; nghĩa là nói những gì bạn muốn họ làm hơn là những gì bạn không muốn. Những câu như, “ba mẹ có một yêu cầu về…” hoặc “con có sẵn lòng…?” giữ cho việc trao đổi trung lập hơn và giúp người nghe dễ tiếp nhận hơn là phòng thủ. Bạn cũng có thể chủ động hàn gắn mối quan hệ một cách lành mạnh với những người xung quanh, để chúng trở thành "điều bình thường", và trẻ con có thể nhìn thấy những lợi ích của chúng một cách thực tế. Trẻ em sẽ học được nhiều điều khi chúng xem người lớn giải quyết xung đột mang tính xây dựng.
Bốn bước cho một sự hàn gắn thật sự hiệu quả.
Có vô số cách để hàn gắn mối quan hệ gia đình, và chúng có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và tính khí của con bạn cũng như mức độ nghiêm trọng của rạn nứt.
Trẻ sơ sinh cần được ôm ấp và làm đầy tình yêu thương cũng như sự an toàn. Lớn hơn một chút trẻ cần tình cảm và nhiều sự chia sẻ bằng lời nói hơn. Tuổi teen có thể cần những cuộc trò chuyện phức tạp hơn. Cá nhân mỗi đứa trẻ khác nhau về phong cách của chúng - một số trẻ cần được trò chuyện ân cần, chỉ bảo nhiều hơn những trẻ khác, và những gì gây tổn thương cho trẻ này, có thể không làm trẻ khác cảm thấy bối rối. Ngoài ra, phong cách của bạn có thể không phù hợp với trẻ, đòi hỏi bạn cần mở rộng lòng mình hơn nữa.
Những rạn nứt đột ngột thường ít xảy ra và có thể chỉ cần "kiểm tra", nhưng những vết thương sâu hơn cần được thật sự chú ý. Chân thành bày tỏ lời xin lỗi tương xứng với tổn thương. Điều quan trọng không phải là phán đoán về mức độ tổn thương nên thế nào, mà là cảm nhận thực tế về tổn thương của đứa trẻ. Một lần xin lỗi có thể là đủ, nhưng một số sự hàn gắn cần được ghi nhận thường xuyên theo thời gian để thực sự làm lành những vết thương. Sẽ hữu ích nếu bạn để ý xem sau đó liệu các sửa đổi có tác dụng không.
Mặc dù mỗi lần sửa chữa sai lầm là duy nhất, nhưng nỗ lực hàn gắn thực sự thường bao gồm các bước giống nhau.
1. Thừa nhận hành vi gây thương tổn. Đầu tiên, hãy cố gắng hiểu những tổn thương mà bạn đã gây ra. Không quan trọng điều đó là vô tình hay bạn có lý do riêng. Đây là lúc để tắt hệ thống phòng thủ của chính bạn và tập trung vào việc hiểu và gọi tên nỗi đau hoặc sự tức giận của người khác.
Đôi khi bạn cần kiểm tra sự hiểu biết của mình. Hãy bắt đầu một cách từ tốn: “Ba mẹ có làm con buồn/ tổn thương không? Hãy giúp ba mẹ hiểu điều đó như thế nào”. Việc này có thể hơi khiến bạn cảm thấy nhún nhường và đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe với trái tim rộng mở khi tiếp nhận quan điểm của người khác.
Cố gắng không làm giảm giá trị của lời xin lỗi bằng cách thêm vào bất kỳ điều gì, chẳng hạn như đổ lỗi cho đứa trẻ là nhạy cảm hoặc chúng đã cư xử tồi tệ hoặc đáng phải nhận những gì đã xảy ra. Bất kỳ hành động nào để giảm nhẹ hoặc chối bỏ vết thương đều không phải là cách sửa chữa đích thực. Trẻ em có một cảm giác nhạy bén về tính trung thực và chân thành. Giả mạo hoặc áp đảo chúng sẽ không hiệu quả.
Một vị thầy tâm linh đã nhắc tôi về câu nói cổ, "Chính khi ta nhìn sâu vào vết thương, ta sẽ lấy được cái gai trong nó." Đó là thứ kết nối lại con người chúng ta.
2. Bày tỏ sự hối hận. Ở đây, một câu "Con xin lỗi" chân thành là đủ. Đừng thêm bất cứ điều gì vào nó. Theo nhà trị liệu và là tác giả Harriet Lerner, một trong những sai lầm mà người lớn thường mắc phải là thêm vào "thành phần kỷ luật": “Đừng để điều đó lặp lại nữa!” hoặc “Lần sau, con sẽ mắc lỗi đấy nữa cho mà xem!”. Điều này, theo Lerner, sẽ ngăn cản trẻ học cách tự nói lời xin lỗi.
Người lớn có thể khó xin lỗi. Việc này khiến chúng ta cảm thấy mình yếu thế hoặc chúng ta sợ rằng mình sẽ mất đi "quyền lực" đối với các con. Chúng ta không cần phải xin lỗi một đứa trẻ, bởi chúng ta là người lớn, chúng ta luôn đúng, phải không? Dĩ nhiên là không! Nhưng con của chúng ta rất dễ mắc kẹt trong mối quan hệ quyền lực một chiều đó, điều này khiến cho việc thiết lập lại mối quan hệ trở nên khó khăn.
Mặt khác, một số người trưởng thành - đặc biệt là phụ nữ, như Rick Hanson nói - có thể đi quá đà và quá phô trương, quá khúm núm, hoặc thậm chí quá vội vàng trong nỗ lực xin lỗi. Điều này có thể khiến lời xin lỗi được nói ra chỉ để giảm cảm giác áy náy vì có lỗi hơn là thật sự hướng về người bị tổn thương. Hoặc nó có thể là dấu hiệu của nhu cầu thiết lập ranh giới riêng của một người.
Không có công thức hoàn hảo nào cho một lời xin lỗi ngoại trừ việc nó được gửi đi theo cách thừa nhận vết thương lòng, và bày tỏ chân thành mong muốn sửa đổi. Có thể có những con đường khác nhau dẫn đến điều đó. Gia đình chúng tôi đôi khi sử dụng một trò vui, "Bạn đúng, tôi sai, bạn đúng, tôi sai, bạn đúng, tôi sai", để vui vẻ thừa nhận những lỗi nhỏ.
Một số lời xin lỗi không lời: Cha tôi đã chuộc lỗi vì bỏ lỡ tất cả các sinh nhật thời thơ ấu của tôi. Ông đã vượt 2000 dặm và làm tôi ngạc nhiên khi đứng trước cửa nhà trong ngày sinh nhật tôi ở tuổi trưởng thành.
Lời nói không phải là sức mạnh của ông, nhưng kế hoạch, nỗ lực và sự thể hiện chân thành là cách hàn gắn giá trị nhất mà ông dành cho tôi. Lời xin lỗi từ tận đáy lòng có thể được chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào.
3. Cân nhắc đưa ra lời giải thích ngắn gọn. Nếu bạn cảm thấy rằng người kia đang mở lòng lắng nghe, bạn có thể giải thích ngắn gọn quan điểm của mình, nhưng hãy thận trọng vì bạn có thể sa đà. Cảm nhận bao nhiêu là đủ. Trọng tâm của lời xin lỗi là hướng đến trải nghiệm của người bị tổn thương. Nếu một lời giải thích hữu ích, tốt, nhưng nó không được làm sai mục đích. Đây không phải là lúc để thêm vào những bất bình của riêng bạn - đó là một cuộc trò chuyện vào thời điểm khác.
4. Thể hiện ý định chân thành của bạn để sửa chữa tình huống và ngăn nó tái diễn. Đặc biệt, với một đứa trẻ, hãy cố gắng thể hiện và đưa ra những hành động cụ thể về cách chúng ta có thể ngăn ngừa sai lầm tương tự trong tương lai. “ba/mẹ sẽ thực sự cố gắng để…” và “Hãy kiểm tra lại để xem cảm giác của con như thế nào…” có thể là một bước khởi đầu.
Hãy nhớ tha thứ cho chính mình. Đây là một quá trình cần nhiều sự dịu dàng, quan tâm, và cảm thông sâu sắc. Tất cả chúng ta đều đang trong quá trình hoàn thiện, và những người trưởng thành vẫn đang phát triển. Tôi biết tôi đã làm ai đó bị đau. Tôi đang nỗ lực thật sự để hàn gắn. Vì vậy, tôi chấp nhận và tha thứ cho chính mình.
Trước chuyến thăm của chúng tôi, con gái tôi và tôi đã nói chuyện qua điện thoại. Chúng tôi cùng chia sẻ sự phấn khích của mình về cơ hội hiếm có để dành nhiều thời gian cho nhau. Sau đó, chúng tôi thận trọng bày tỏ mối bận tâm của mình. Tôi nói: “Mẹ sợ chúng ta sẽ khiến nhau trở nên căng thẳng”. “Con e rằng mình sẽ phải nấu nướng và dọn dẹp toàn bộ thời gian,” con bé trả lời.
Vì vậy, chúng tôi lên chiến lược để ngăn chặn "những kẻ gây xung đột" này. Con gái tôi đã lập một danh sách các công việc nhà, trong đó mọi người đăng ký để nấu ăn và dọn dẹp thay phiên. Chúng tôi cũng thảo luận về nhu cầu không gian mà mọi người cần có để làm việc và gọi điện thoại.
Sau đó, tôi hít một hơi và trích dẫn một ý theo nghiên cứu khoa học. “Mẹ nghĩ rằng chúng ta cần phải mong đợi xung đột sẽ xảy ra,” tôi nói. “Đó là cách chúng ta hàn gắn mối quan hệ thông qua việc giải quyết mâu thuẫn. Tình yêu không phải là điều hoàn hảo ngay từ đầu, hoặc mãi mãi sẽ như thế. Tình yêu là quá trình chấp nhận, sửa chữa và làm lành những vết thương, cùng nhau.”
Vài lời từ người dịch:
Vào buổi sáng cuối tuần cách đây mấy ngày, khi mình đang ngồi đọc - dịch, em mình gửi cho mình một tấm hình, chụp lại bức thư tay mà ba mình ghi để xin lỗi về việc ông đã nói những điều khiến em mình tổn thương. Mình đọc nó, bật khóc. Một vài ký ức tuổi thơ lướt qua tâm trí. Mình xâu chuỗi lại những gì còn nhớ. Mình thấy thương ba mình, mẹ mình, em mình, thương cả chính mình nữa. Và dù bức thư ấy không dành cho mình, phần nào đó trong mình cảm thấy được xoa dịu, vỗ về.
Có một nghịch lý mà nhiều người đều cảm nhận. Chúng ta rất khó nói hay bày tỏ tình yêu thương, với người chúng ta thật sự thương. Mà chúng ta lại dễ làm tổn thương họ nhiều hơn. Mình nhận ra, trong gia đình mình, việc làm đau nhau ấy, bắt nguồn từ việc, mỗi người đã né tránh mâu thuẫn, đã không dám đối diện và cùng tìm cách có - hiệu - quả - thật - sự để làm lành vết thương. Ai cũng dồn nén cảm xúc của mình, hạn chế hết mức để xung đột không xảy ra. Cứ ngỡ điều đó là tốt. Nào ngờ lại tự khắc sâu thêm những vết thương, khiến chúng "mưng mủ" âm thầm. Đến một lúc không thể giữ được nữa, nó bục ra, và gây những hậu quả khôn lường. Khi lớn lên, mình thậm chí còn mang sự kìm nén cảm xúc và giả vờ bình thường ấy vào các mối quan hệ khác. Để rồi chính mình, là nạn nhân của nó đầu tiên.
Khi mình chọn dịch bài này, mình đã không đọc trước nội dung (như bao lần vẫn vậy!^^). Nên càng đọc dịch, mình lại càng vỡ òa vì nó chạm đến nhiều vấn đề trong mình như thế. Mình cũng có thể áp dụng những cách để dễ dàng chấp nhận xung đột, và hàn gắn tổn thương trong những mối quan hệ xung quanh. Hy vọng khi bài viết này đến với các bạn đọc, bạn cũng sẽ cảm nhận được phần nào đó trong mình, và nó sẽ hữu ích cho bạn ít nhiều. Mình cũng sẽ lại gửi bài này đến ba mẹ mình, như mọi khi.
Sau tất cả, chúng ta học cách chấp nhận, đối diện với mâu thuẫn, căng thẳng trong mối quan hệ, không phải để đổ lỗi, hay biện minh cho việc trở thành nạn nhân của mình. Chúng ta hiểu không ai hoàn hảo. Và chẳng điều gì vững chắc mà không cần nỗ lực dựng xây, sửa chữa từ những điều bé nhỏ. Phản hồi mâu thuẫn theo cách mở lòng hơn. Bao dung hơn cho người khác, và tha thứ cho chính mình. Những mảnh vỡ, đều có thể "trở về" cùng nhau.
Nguồn bài: https://greatergood.berkeley.edu/article/item/family_conflict_is_normal_its_the_repair_that_matters
Người dịch: Duli Ng, người biên tập: Phạm Đại Bàng
Comments