top of page
Ảnh của tác giảDuli Ng

Nuôi Dạy Con Mùa Corona: Thay Vì Tức Giận Có Thể Lựa Chọn Chấp Nhận? (Và Những Gợi Ý Thực Hành)

Câu chuyện của một nhà tâm lý học (psychologist) về cách mà cô vừa phải đối mặt với áp lực công việc vừa phải nuôi dạy con cái giữa đại dịch.

Ngày đầu tiên trường học của ba đứa trẻ đóng cửa do Covid-19, tôi và chồng rơi vào trạng thái "xử lý sự cố". Tôi đã hủy lịch hẹn buổi chiều với khách hàng điều trị cá nhân, và anh thông báo với đồng nghiệp rằng anh không thể có mặt buổi sáng. Thật bực bội và ức chế! Thế mà nó không chỉ diễn ra trong một ngày!

Từ đó đến nay đã là sáu tháng. Không có trường học hay dịch vụ chăm sóc trẻ em nào suốt cả mùa xuân và mùa hè. Chúng tôi tìm ra một loạt cách ứng phó: phân chia ai ra ngoài hay ở nhà sao cho phù hợp với lịch trình công việc của nhau. Cắt xén thời gian cần được nghỉ ngơi để đổi lấy một giờ làm việc buổi trưa. Xử lý xong công việc trước khi tụi nhỏ thức giấc và sau khi chúng đi ngủ. Lên chiến lược sắp xếp "thời gian sử dụng màn hình" của tụi nhỏ khi cả hai chúng tôi đều có cuộc họp online.



Trong suốt mùa hè, tôi đã chờ tin từ khu học chính (một khu có các trường công được quản lý chung ở địa phương) về kế hoạch cho mùa thu để chúng tôi có thể lập kế hoạch cho riêng mình. Chẳng có tin tốt nào. Cho đến nay, việc bắt đầu năm học công lập đã bị trì hoãn ba lần, với nhiều mô hình học tập khác nhau được đề xuất lặp đi lặp lại. Kế hoạch hiện tại cung cấp một mô hình kết hợp tổng cộng tám giờ học mỗi tuần tại trường. Tôi và chồng chỉ có thể đi làm khi cả ba đứa trẻ đều đi học và tôi vẫn không biết được mấy nhóc đang học tiểu học của tôi sẽ đi học vào giờ nào trong tuần - nghĩa là tôi không thể chắc chắn được lịch học ở trường mầm non của bé nhỏ ba tuổi nhà tôi.


Lúc này đây, tôi đang hoảng loạn và cảm thấy cực kỳ phiền toái. Lẽ dĩ nhiên là cả chồng tôi và tôi đều có công việc, không gian riêng và chung, những giải pháp của chúng tôi như đang cố băng bó một vết thương hở. Nhưng chẳng còn cách nào khác, ngoài tiếp tục cố gắng!


Tôi ước mình có thể bình tâm điềm tĩnh trước toàn bộ trải nghiệm này. Vì tôi không thể, tôi đã tìm thấy niềm an ủi khi thực tế là các bậc cha mẹ đang đi làm khác cũng cảm thấy căng thẳng cực độ. Một bài luận được viết vào khoảng đầu thời gian cách ly mạnh mẽ chỉ ra rằng nữ giới đang trở nên suy sụp trong đại dịch. Trong sự tương quan về mặt giới tính, phụ nữ có nhiều khả năng làm việc bán thời gian hoặc có giờ làm việc linh hoạt hơn đàn ông. Do đó, chúng tôi phải đảm nhận phần lớn trách nhiệm nuôi dạy con cái, thường bị lệ thuộc vào lịch trình của bạn đời và nhu cầu của con. Những bài luận khác cũng mô tả các bà mẹ bị mất việc làm với tỷ lệ cao hơn các ông bố, họ chăm sóc con cái và đưa chúng đến trường nhiều hơn, trong khi họ vẫn phải "duy trì sự sống" cho công việc của mình. Tôi đã đọc tất cả. Cảm xúc dội lại từng cơn như những cú đấm vào không trung và nghĩ: "Chính xác! Là vậy đấy!"


Tuy nhiên, đó không chỉ là nỗi khổ riêng của những bà mẹ đang đi làm. Cuộc sống với những đứa trẻ và một công việc trong tình trạng giãn cách xã hội bị hạn chế nhiều mặt trong đại dịch khiến mọi việc không hề dễ dàng, đầy áp lực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả mọi người. Các nhà quản lý gây áp lực về năng suất trong một nền kinh tế đang suy thoái, nhân viên phải chịu đựng những cuộc họp online kéo dài với sự xuất hiện của những "vị khách không mời" chính là tụi nhóc trong nhà, những người thường xuyên làm việc bên ngoài với đối tác ngủ trong lều và nhà xe để không gây nguy hiểm cho gia đình của họ, bố mẹ đơn thân cố gắng bám trụ và hầu hết các bậc cha mẹ phải vật lộn với những thách thức khi cố gắng tạo môi trường giáo dục và giải trí cho trẻ em tại nhà. Tôi cũng đọc những bài báo này và nghĩ, “Đúng! Chính thế đấy!" Các bài luận đã châm ngòi cho sự tức giận âm ỉ trong tôi bằng cách chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều đang chạm đáy của một sự bất công sâu sắc


Sau đó, tôi đọc lướt những nội dung khác và đi thẳng đến cuối bài và từ từ định tĩnh lại. Tôi có thể làm gì cho bất cứ điều gì trong số đó?

Tôi biết rằng việc bị cuốn theo những dòng chảy của sự tức giận là điều tự nhiên. Đôi khi nó thậm chí có thể hữu ích. Sự tức giận giữ chúng ta an toàn khi sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa. Một trong những bệnh nhân của tôi làm việc trong một công ty cung cấp nơi lưu trú chật hẹp trong quá trình chuyển đổi sang cuộc sống cách ly. Cô ấy ngày càng bức bối bực dọc vì không thể dành thời gian ở cạnh con mình khi nó đang vật lộn để thích nghi với việc học online từ xa và đang có các triệu chứng tăng cao của hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD - Attention-deficit hyperactivity disorder) và lo âu. Sự tức giận đã giúp bệnh nhân của tôi khẳng định bản thân với sếp của cô ấy, chuyển tính dễ bị tổn thương sang sự trao quyền. Sau khi cô ấy vượt qua, sự tức giận đã giúp cô ấy vững tin rằng thà thất nghiệp còn hơn tồn tại trong một nền văn hóa công ty không thể đáp ứng nhu cầu của gia đình mình.


Giận dữ - điều chẳng ai xa lạ, mang lại lợi ích là thúc đẩy suy nghĩ lạc quan, tốt hơn rất nhiều so với suy nghĩ vô vọng. Chúng ta cũng đã chứng kiến những sự trỗi dậy gần đây trong hoạt động chính trị, blog và bài báo cũng như những đổi mới trong cách tiếp cận công việc, tất cả đều là sản phẩm của sự tức giận đã kích hoạt những nỗ lực mới. Cuối cùng, sự tức giận giúp chúng ta kêu gọi những người khác vào cuộc với mục tiêu cá nhân, điều này phục vụ tốt cho chúng ta khi ta đấu tranh vì một mục tiêu chung. Nói cách khác, tức giận có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề lớn.


Tất cả những điều này nghe có vẻ khá trực giác chủ quan, mặc dầu có hiệu quả thật, cho đến khi bạn thấy mình gặp một vấn đề không có giải pháp. Đó là thời điểm mà sự tức giận có thể trở nên hủy diệt. Sự tức giận không được giải tỏa sẽ trở thành sự phàn nàn dai dẳng. Hoặc, tệ hơn, nó là một trở ngại độc hại để thực hiện thay đổi. Sự tức giận chính đáng của giáo viên khi họ không muốn chịu những tổn hại trong đại dịch, sẽ thúc đẩy sự phẫn nộ, chứ không phải sự cộng tác từ các bậc cha mẹ đang đi làm - những người không thể giám sát việc học ở nhà của con và đồng thời vẫn phải hoàn thành công việc của họ. Cha mẹ của những đứa trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch gia tăng sự giận dữ hơn là cảm thông với những bậc cha mẹ đang đi làm - những người khẩn thiết muốn gửi con cho các lựa chọn giáo dục tại trường.


Rõ ràng, "các loại nhà": nhà quản trị, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em sẽ chẳng nhanh chóng tham gia trợ giúp các bậc cha mẹ đang đi làm. Chúng ta có thể "giải trình" cho sự thiếu hụt hỗ trợ này là do sự cản trở của việc tức giận. Hoặc có lẽ là một thái độ thiếu nghiêm túc chung. Và chắc chắn, không ngoại trừ trường hợp là do cả hai nguyên nhân trên. Nhưng việc phản ứng thiếu hiệu quả đối với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng giữa làm việc - làm cha mẹ cũng có thể là điều không thể tránh khỏi. Thế nên, đơn giản, không có "giải pháp tối ưu" nào cho tình huống này. Điều chúng ta cần hiểu rõ chính là: Những bậc cha mẹ không thể giải quyết những vẫn đề mà chúng ta phải đối mặt trong đại dịch với tư cách cá nhân. Chúng ta cũng không có khả năng ngừng cảm thấy tức giận và thất vọng ngay được.


Vậy chúng ta có thể làm gì? Câu trả lời gói gọn trong một từ: Chấp nhận. Chúng ta có thể ngừng chiến đấu với hoàn cảnh, nếu chúng chỉ diễn ra trong đầu của chúng ta.

Tôi có thể nghe thấy câu mọi người muốn bật ra ngay bây giờ: Chấp nhận? Có thật không? (kèm theo báo động hiệu ứng âm thanh lặp lại - khó nghe)

Chấp nhận thực tế của đại dịch không có nghĩa là cam chịu với chúng. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là trong bất kỳ thời điểm nào, chúng ta không lãng phí năng lượng để mong đợi mọi chuyện sẽ khác đi hay cố gắng thay đổi một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Jill Stoddard, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn Be Mighty chia sẻ: “Khi chúng ta nói về sự chấp nhận, chúng ta đang nói về việc chấp nhận những trải nghiệm bên trong của chúng ta, chứ không phải tán thành hoàn cảnh bên ngoài với con dấu chấp thuận”.


Sau nhiều năm làm việc cá nhân với tư cách là nhà tâm lý học, tôi đã quen với việc bệnh nhân đến gặp tôi cùng những vấn đề họ muốn giải quyết — những điều họ không hài lòng hoặc tức giận và muốn sửa chữa theo ý mình. Tôi thường nói với bệnh nhân rằng tôi không có bất kỳ câu trả lời đơn giản nào. Và tôi giải thích rằng những cảm xúc không thoải mái giống như cát lún. Khi chúng ta càng cố gắng chống lại, chúng ta càng lún sâu vào sự khó chịu trong mình.


Tôi sẽ nhắn nhủ với bệnh nhân rằng không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Xung đột giữa các thành viên trong gia đình có thể kéo dài. Mọi người già đi hoặc bệnh tật, và chết. Những đứa trẻ làm điều chúng ta không mong muốn. Và việc làm cha mẹ, cho dù chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng một nguồn lực tốt hay lập chiến lược như thế nào, đều liên quan đến một cuộc chiến gay gắt giữa hai vai trò đòi hỏi nhiều kỹ năng hoặc nỗ lực.

Những tác động của đại dịch này thực sự dường như không thể giải quyết được, ngay cả khi nhiều nhà tuyển dụng, bác sĩ, chính trị gia và nhà khoa học giỏi nhất đang làm việc nghiêm túc để làm cho mọi thứ tốt hơn. Nguyên nhân của tình huống bất khả thi này là tính lây lan và phức tạp.


Trong bối cảnh đó, chúng ta buộc đưa ra những lựa chọn đòi hỏi phải cân bằng những rủi ro dễ làm ta lung lay sợ hãi. Chúng ta muốn ưu tiên sức khỏe của gia đình, nhưng cũng là sức khỏe tinh thần và thể chất của chính mình. Chúng ta muốn những đứa trẻ được hạnh phúc, nhưng cũng muốn chúng (và giáo viên của chúng) được an toàn. Chúng ta cần tập trung vào sự ổn định tài chính của mình nhưng cũng phải chú trọng đến sự đủ đầy tài chính của nhân viên và người sử dụng lao động. Chúng ta không thể giả vờ là chỉ có một nguyên nhân duy nhất của vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, cũng như thực tế chúng ta không thể mong đợi một phép màu nào đó từ trên trời rơi xuống và cứu lấy chúng ta.


Nhưng chấp nhận sự tức giận và hoàn cảnh của chúng ta có thể giúp chúng ta cân nhắc hơn trong phản ứng của mình. Stoddard nói: “Chúng ta có thể tò mò về điều mà cơn giận đang muốn nói với chúng ta. Nếu bạn tức giận vì đang phải vật lộn giữa công việc và nuôi dạy con cái, thì có thể là do bạn thực sự quan tâm đến cả sự nghiệp và con cái của mình. Nếu bạn tức giận vì vợ hay chồng mình không đảm đương tốt trách nhiệm của họ, bạn có thể quan tâm đến bình đẳng trong hôn nhân. Tìm hiểu về cơn giận thay vì cố gắng đẩy nó đi có thể giúp bạn tìm ra điều gì cần bạn chú ý và có thể là điều bạn cần hành động".


Đặt những câu hỏi như, "Vấn đề thực sự ở đây là gì?" và, "Nếu cơn tức giận không khiến tôi đi đến đâu cả, tôi có thể làm gì khác hơn?" là một điểm tốt để bắt đầu.

Cũng có thể hữu ích khi xem xét một sự thật chung: Đối với hầu hết các bậc cha mẹ đang đi làm, sự tức giận mà chúng ta cảm thấy lúc này không phải là dấu hiệu cho thấy ai đó hoặc điều gì đó trong chúng ta đang sai. Thay vào đó, nó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn.


Sự tức giận của chúng ta chỉ ra rằng những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta đang khiến chúng ta kiệt sức và đòi hỏi ở chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể chịu đựng. Trong một nghiên cứu về những bệnh nhân bị đau mãn tính, việc chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ đã giúp các cá nhân về lại trạng thái ổn định, chấp nhận nỗi đau hơn là bị cuốn vào sự thất vọng hoặc phán xét về việc họ nên cảm thấy như thế nào hoặc những gì họ nên đạt được.


Cuối cùng, và mạnh mẽ nhất, bản thân sự chấp nhận có thể tạo điều kiện cho sự thay đổi.

Một bệnh nhân của tôi gần đây đã có "khoảnh khắc xuất thần" trong buổi trị liệu cặp đôi khi hỏi tôi: "Đây có phải là ý của bạn khi nói về chấp nhận: Rằng tôi cần phải chấp nhận vợ chồng tôi sẽ có lúc tranh cãi? Và rằng tôi sẽ tức giận?". Ngay từ khi mới kết hôn, cô ấy đã cố gắng phủ nhận cảm giác tức giận, liên tục tự hứa với bản thân sẽ ngừng tức giận. Chiến lược của cô ấy, một cách nghịch lý, đã dẫn đến những "vụ bùng nổ" không thể đoán trước. Chấp nhận sự tức giận, nhưng lựa chọn một phản ứng có nhận thức hơn, đã bắt đầu thay đổi "chu kỳ tức giận" không lành mạnh mà cả hai đã bị mắc kẹt.


Các bậc cha mẹ đang đi làm có thể sử dụng sự tức giận để thúc đẩy sự thay đổi, chẳng hạn như nói chuyện với sếp về giờ làm việc thực tế, thương lượng lại trách nhiệm gia đình với vợ/chồng hoặc các hoạt động chính trị. Tất nhiên, về mặt lý thuyết, việc lựa chọn một cách phản ứng có nhận thức và hiệu quả hơn đối với cơn tức giận nghe có vẻ tốt, nhưng chúng ta cần có những bước cụ thể cần làm gì khi cơn thịnh nộ bùng phát. Hai bước có thể giúp làm gián đoạn chu kỳ tức giận: 1) làm dịu "hệ thống đe dọa" của chúng ta, và 2) cân nhắc hơn trong việc lựa chọn hành động.


Điều quan trọng phải nhận ra rằng sự tức giận khiến hệ thống limbic(*) của chúng ta hoạt động. Hệ thống đó giúp chúng ta chuẩn bị chiến đấu, né tránh hoặc đóng băng - để bảo vệ bản thân khỏi mối đe dọa. Nhưng khi hệ thống này được kích hoạt, vỏ não trước trán của chúng ta — phần não đảm nhận việc lập kế hoạch, đưa ra lựa chọn, suy nghĩ logic và sáng tạo, quản lý và xử lý cảm xúc của chúng ta - sẽ hoạt động 'ngoại tuyến', khiến chúng ta hoạt động trên "chế độ lái tự động" về cảm xúc.


Để trở nên cân nhắc hơn trong phản ứng với cơn tức giận, trước tiên chúng ta cần đưa vỏ não trước trán hoạt động 'trực tuyến' trở lại. Đây là cách chúng ta bắt đầu: Chú ý quan sát. Lưu ý các loại suy nghĩ, cảm giác và trải nghiệm thể chất có xu hướng xuất hiện khi một cơn thịnh nộ ập đến; trở nên nhạy cảm tinh tế để nhận biết báo động đỏ về cơn tức giận của bạn. Cho dù đó là cảm giác nóng bừng trong lồng ngực, một luồng suy nghĩ về sự bất công hay cảm giác thắt chặt trong cổ họng cho thấy bạn sắp trút cơn thịnh nộ lên con mình, hãy biết và nhận ra những dấu hiệu tức giận của bạn.

Một khi bạn nhận thấy cơn thịnh nộ đang đến, hãy tạm dừng. Trong khoảng thời gian tạm dừng đó, hãy thực hiện một hành vi giúp làm dịu hệ thống limbic của bạn. Bạn có thể sử dụng các cách hữu hiệu phổ biến như hít thở sâu, chạm vào bề mặt lạnh, tạt nước vào mặt, gọi điện cho một người bạn biết lắng nghe thấu hiểu, hoặc ghi ra cảm xúc của bạn. Mỗi hoạt động trong số này giúp làm dịu hệ thống limbic và làm cho vỏ não trước hoạt động trở lại.


Bây giờ, bạn sẽ thực hành chọn phản ứng có chủ ý đối với cơn giận của mình. Hãy tự hỏi bản thân, "Tôi cần điều gì nhất trong thời điểm này?" Đó là hành động chính trị, trao nhận lòng trắc ẩn hay chỉ dành vài phút để nhìn chằm chằm vào bức tường? Vạch ra những giới hạn về những gì bạn có thể chạm tay tới được, bạn sẽ cần phải giảm bớt kỳ vọng và thưởng thức một số điều nhỏ nhoi, giản đơn bạn có thể tiếp cận.


Khuyến khích: tự khóa mình trong không gian phòng tắm có thể là cách hiệu quả nếu bạn đánh giá cao sự đơn độc trong những phút giây đó; ôm ấp đứa trẻ tổn thương trong bạn có thể là điều rất ngọt ngào nếu bạn cảm nhận được mùi da ẩm ướt, lấm tấm nước của đứa trẻ ấy; và gửi email cho một đồng nghiệp thiếu kiên nhẫn có thể khiến bạn hài lòng nếu bạn dành một chút thời gian để tự khen ngợi mình đã loại bỏ một thứ gì đó ra khỏi danh sách việc cần làm dài đằng dặc của mình. Cân nhắc lựa chọn hành động mang lại những niềm vui nhỏ và có thêm lợi ích là cách ngăn bạn gây tổn thương cho các mối quan hệ với con cái, đối tác, đồng nghiệp hoặc khách hàng của bạn.


Khó khăn của hiện tại khó lắng xuống trong ngày một ngày hai. Tôi dự đoán "cơn ác mộng" này sẽ tiếp diễn khi chồng tôi và tôi tiếp tục đánh vật với chuyện vừa phải làm việc vừa nuôi dạy con cái. Và tôi lại tiếp tục bắt đầu những giờ làm việc sau một ngày dài nuôi dạy con cái - ca làm việc đáng sợ thứ hai được đưa lên một cấp độ hoàn toàn mới. Sự tức giận của chính tôi sẽ tiếp tục đến và đi, tùy thuộc vào những thách thức trong ngày và tin tức mới nhất. Tôi đang làm việc để chấp nhận điều đó. Và vì vậy khi tôi có cơ hội hiếm hoi để thưởng thức cà phê của mình, bây giờ tôi đã đưa ra một lựa chọn cân nhắc hơn. Tôi đọc những bài luận về giận dữ để thưởng thức khoảnh khắc đó. Chấp nhận rằng điều này có thể tiếp diễn trong một thời gian, tôi cần phải duy trì sự thanh thản bất cứ khi nào tôi có thể.

Căng Thẳng Cực Độ. Nhưng Chúng Ta Có Thể Vượt Qua!


Ghi chú:

(*) Hệ thống limbic: một hệ thống phức tạp của các dây thần kinh và mạng lưới trong não, liên quan đến một số khu vực gần rìa của vỏ não liên quan đến bản năng và tâm trạng. Nó kiểm soát những cảm xúc cơ bản (sợ hãi, vui sướng, tức giận) và các nhu cầu (đói, tình dục, thống trị, chăm sóc con cái).

 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://greatergood.berkeley.edu/article/item/working_parents_are_angry_but_what_can_we_do

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Duli Ng; Người biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.


19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page