Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Respect.vn:
Đứa bé vấp ngã trên bậc thềm, bà ngoại bước lại, đập tay vào bậc thềm mắng "Lì này, làm cháu ngoại té này". Đứa bé lặp lại hành động của bà trong vô thức. Dần dần, đứa bé mặc định rằng mọi thứ xảy ra đều không phải do nó, mà do những thứ khác. Vì vậy, nó không phải tự chịu trách nhiệm, cũng không chủ động tìm cách giải quyết. Là bố mẹ, chúng ta sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?
"Đó không phải lỗi của con!" là một phản ứng của trẻ khi vi phạm các quy tắc. Trong mọi tình huống, hầu hết trẻ em đều bào chữa cho hành vi của mình. Tuy nhiên, nếu trẻ cứ thường xuyên bào chữa như vậy thì đây sẽ một vấn đề quan trọng cần xem xét.
Nếu con bạn nói "Em đá con trước nên con phải đánh nó", hoặc "Con quên làm bài tập về nhà có phải lỗi của con đâu. Do cô giáo không cho đủ thời gian để lấy sách sau giờ học chứ bộ". Thực sự là chúng ta nên giải quyết vấn đề này. Vì nếu không, con bạn rồi sẽ thành một người lớn không biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.
Mẹo để dạy trẻ ngưng bào chữa và bắt đầu chịu trách nhiệm
Hãy thử những mẹo sau để dạy con bạn từ bỏ việc bao biện cho hành vi của mình.
Hãy bình tĩnh
Khi con khăng khăng cho rằng điều đó không phải lỗi của con, bạn hãy tránh tranh cãi với con. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ vướng vào một cuộc tranh giành quyền lực. Thay vào đó, hãy trả lời một cách bình tĩnh. Nói rõ với con rằng, bào chữa cho hành vi của con không có nghĩa là không phải chịu trách nhiệm.
Chỉ ra lời bào chữa của con và nhắc nhở về trách nhiệm cá nhân.
Hãy nói những câu như "Con hãy chịu trách nhiệm về cách mà con cư xử" hoặc"Con phải tìm cách giải quyết vấn đề đó".
Khuyến khích trách nhiệm cá nhân
Hãy dạy cho con thấy sự khác biệt giữa hành vi giải thích và bào chữa. Ví dụ, khi nói với giáo viên rằng con vắng mặt vì bị ốm là một lời giải thích. Nhưng khi con nói rằng con chó của con đã ăn bài tập về nhà, thì chỉ là một cái cớ để bao biện cho hành vi của mình mà thôi.
Lời giải thích mang tính trách nhiệm cá nhân, còn lời bào chữa lại có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Lời giải thích giúp người khác hiểu rõ tình hình, trong khi lời bào chữa thường để biện minh cho sai lầm.
Đôi khi trẻ em (cũng như nhiều người lớn) khó nhận thấy sự khác biệt này. Nhưng rất đáng dành thời gian và nỗ lực, để giúp con thấy được khác biệt lớn giữa việc đổ lỗi cho người khác và việc nhận trách nhiệm cá nhân.
Khi nhập vai vào nhiều tình huống, bạn hãy để con xác định khi nào thì đưa ra lời bào chữa và khi nào đưa ra lời giải thích. Thực hành điều này sẽ giúp con bạn phát triển và nhận ra sự khác biệt.
Trong lúc xem phim hoặc đọc sách, bạn hãy khuyến khích con chỉ ra trường hợp đó là giải thích hay bào chữa. Khi có đủ sự hiểu biết, con sẽ nhìn nhận tốt hơn những trường hợp ai đó đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm.
Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề
Khi con cố gắng đổ lỗi cho người khác về những sai lầm và vấn đề của mình, hãy tập trung chuyển vấn đề vào những phản ứng và lựa chọn của con. Ví dụ nếu con nói, "Vì giáo viên không giải thích cách làm, nên bài của con mới bị điểm kém", hãy hỏi, "Con có thể làm gì để giải quyết điều đó?". Hãy nói về cách mà con có thể làm hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ, thay vì đổ lỗi cho giáo viên về điểm kém của mình.
Quan trọng là con có thể nhận ra rằng, con có nhiều lựa chọn trong cách phản ứng với vấn đề. Nếu em gái đá con, con không cần phải đánh lại em. Thay vào đó, con có thể yêu cầu giúp đỡ, bảo em dừng lại hoặc rời khỏi tình huống đó. Hãy dạy con rằng, dù có xảy ra điều gì đi chăng nữa, cuối cùng con mới chính là người chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Nhấn mạnh việc học từ những sai lầm
Hãy dạy con biết rằng mỗi sai lầm là một cơ hội để học hỏi. Khi con nhận thấy sai lầm là cách để học hỏi, con sẽ thôi không che đậy lỗi lầm của mình hoặc đổ lỗi cho người khác nữa. Hãy để con thấy rằng, phạm sai lầm không có gì là xấu, điều quan trọng là mình học được gì từ sai lầm, để không phải lặp lại lần nữa.
Hãy khen ngợi con khi con thành thật hoặc tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi con nói, “Con sẽ không đánh em nếu em không làm con nổi điên”, bạn hãy nhẹ nhàng nhắc con rằng " Không ai bắt con làm bất cứ điều gì và con là người chọn cách cư xử". Sau đó, khi con bình tĩnh, hãy nói về những gì con có thể làm khác đi trong những lần tiếp theo.
--------------------------
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellfamily.com/prevent-child-making-excuses-1094981
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang; Người biên tập: Thiên Ý; Người hiệu đính: Phạm Đại Bàng
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Opmerkingen