Kỹ năng nhận thức là những kỹ năng nào? Một cách đơn giản, đây là những kỹ năng thể năng lực của một người trong việc chuyển hóa kinh nghiệm và thông tin thành kiến thức cho bản thân.
Tại sao việc tự nhận thức lại là quá trình phức tạp?
Khác với việc tiếp nhận thông tin, nhận thức bao gồm cả việc suy nghĩ, xử lý và nói lại về một thông tin mới. Bên cạnh đó, nhận thức còn liên quan đến việc ứng dụng thông tin mới này lên những thông tin đã được tiếp thu trước đó.
Ví dụ như, trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ phát triển khả năng suy nghĩ ở nhiều cấp độ. Trẻ có thể xử lý thông tin thành thạo và kết nối với những thông tin khác dễ dàng hơn. Nói cách khác, kỹ năng tư duy của trẻ phát triển ngày một tốt hơn.
Trẻ có thể có khả năng phát triển năng lực tập trung, ghi nhớ thông tin và tư duy phản biện phù hợp với độ tuổi của chúng. Kỹ năng nhận thức cũng cho phép trẻ thấu hiểu mối quan hệ giữa các khái niệm, giúp trẻ nắm bắt mối tương quan giữa nguyên nhân và kết quả, và phát triển các kỹ năng phân tích. Trên tất cả, việc phát triển kỹ năng nhận thức không chỉ giúp ích cho việc học của trẻ mà còn hỗ trợ trẻ nhiều hơn trong cuộc sống bên ngoài.
Việc hiểu về mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể giúp trẻ tránh được việc gây áp lực trong quan hệ bạn bè và ra quyết định không đúng. Ví dụ như: nếu trẻ quyết định sẽ chơi game thay vì làm bài tập, trẻ hiểu về việc thiếu chuẩn bị sẽ dẫn đến điểm kém trong bài kiểm tra toán vào ngày mai.
Tự nhiên hay nuôi dưỡng?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bên cạnh di truyền học thì việc phát triển kỹ năng trong quá trình thực hành và luyện tập sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nhận thức của trẻ. Một đứa trẻ bình thường, nếu không mắc phải hội chứng ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý), thì sẽ học được cách tập trung. Thực tế rằng, trong khi hầu hết trẻ ở độ tuổi mẫu giáo chỉ có thể tập trung khoảng 15 phút, thì một học sinh lớp ba có thể tập trung trong một khoảng thời gian dài hơn.
Một trong những cách phát huy khả năng tập trung của trẻ chính là hỗ trợ trẻ hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không bị ảnh hưởng bởi những điều gây nhiễu bên ngoài như đồ chơi, tivi hay các cuộc nói chuyện. Cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc có thể hỗ trợ để trẻ phát huy kỹ năng nhận thức bằng cách đặt câu hỏi về môt cuốn sách mà trẻ đang đọc, cho trẻ tự lên kế hoạch về một chuyến đi chơi hay một dự án mà trẻ đã hoàn thành. Bằng cách đặt câu hỏi về những trải nghiệm của mình, trẻ đang được khuyến khích suy nghĩ, thể hiện bản thân và tham gia vào quá trình tư duy phản biện.
Điều gì xảy ra khi trẻ bỏ lỡ những kỹ năng nhận thức theo độ tuổi?
Có thể có những trẻ không đạt được những kỹ năng nhận thức tiêu chuẩn theo giai đoạn phát triển của độ tuổi. Điều đó không đồng nghĩa với việc trẻ không có năng lực học tập. Trái lại, mỗi đứa trẻ sẽ có những lộ trình riêng trong việc phát triển bản thân. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thực sự quan tâm đến việc phát triển kỹ năng nhận thức cho con thì cũng không nên bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Hãy tìm đến giáo viên hoặc bác sỹ Nhi Khoa để tư vấn cho trường hợp con của mình.
Các chuyên gia sẽ quyết định việc trẻ có khả năng học tập hay không dựa trên kết quả thiếu hụt kỹ năng nhận thức phát triển so với độ tuổi của trẻ. Nếu con bạn thiếu khả năng này, hãy hỗ trợ trẻ càng sớm càng tốt, trước khi điều đó ảnh hưởng đến cơ hội học tập và tạo ra các vấn đề tâm lý xã hội cho trẻ.
Nhiều trẻ với năng lực học tập hạn chế vẫn có thể tiếp tục con đường học vấn cao hơn, và có cuộc sống chất lượng. Cho nên, việc hỗ trợ trẻ ngay khi còn nhỏ sẽ tạo ra nhiều tác động khác biệt. ------------------------
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellfamily.com/what-are-cognitive-skills-620847
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Thảo Lê
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
コメント